Tháng 8 Này Các Em Nên Học Gì?

Các em học sinh thân mến. Tháng 7 nóng bỏng với kỳ thi THPT Quốc Gia. Lo âu, căng thẳng xen lẫn áp lực là tâm lý chung của rất nhiều sĩ tử. Thế hệ 97er đã có một mùa thi với rất nhiều đổi mới, bỡ ngỡ. Đổi mới từ cách thi đến đề thi. Có rất nhiều tấm gương đáng được kể tên, đáng được vinh danh. Tuy nhiên cũng có những em phần vì kém may mắn, phần vì chủ quan, học lệch dẫn đến tình trạng đỗ tốt nghiệp năm nay thấp hơn mọi năm. Vậy nên thế hệ 98, 99er chúng ta phải cố gắng nỗ lực ngay bây giờ, ngay lúc này, chứ không phải là ngày mai, tuần sau, tháng sau. Nỗ lực để đạt được vinh quang. Nỗ lực vì một thế hệ tương lai của tổ quốc. Vì chính bản thân các em, cha mẹ các em. Hãy đón chào tháng 8 này với tâm hồn mới. Đón chào năm học mới với bao điều tươi sáng đang đợi em phía trước.

Tháng 8 – Mùa tựu trường

mua tuu truong
Ảnh minh họa: Mùa tựu trường
Tháng 8 này các em bắt đầu học chương trình chính thức, đây là thời điểm các em phải tổng duyệt lại kiến thức cũ cũng như khối kiến thức mà các em đã ôn luyện trong những ngày hè. Một năm học bận rộn qua đi, những gì các em tiếp thu được cũng theo thời gian mà phai mờ dần, vì vậy các em cần đào xới, lục lại kiến thức, hệ thống hóa lại những gì các em đã học. Có như thế các em mới có một khối kiến thức vững chắc.

Các em khối 10 thì sao nhỉ?

Các em đang trong giai đoạn chuyển cấp từ THCS lên THPT vì vậy vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ trong những môn học nói chung và môn Hóa Học nói riêng. Ở THCS các em mới chỉ học những kiến thức nhận biết và thông hiểu. Vì vậy khối kiến thức trong 3 năm học tới của các em rất nhiều. Trong giai đoạn này với môn Hóa Học các em nên ôn tập lại những bài tập cơ bản đến nâng cao để thành thạo cách giải các bài toán hóa. Vì khi lên cấp 3 các em đều được học lại những chuyên đề mà các em đã được học nhưng ở mức độ nâng cao hơn, mang tính vận dụng hơn. Vì vậy khối kiến thức Hóa ở cấp 2 của các em vững chắc thì lên cấp 3 các em đỡ vất vả hơn. Nếu em hôm nay còn chưa biết gì về môn hóa thì điều đầu tiên em nên làm là ôn tập thật kỹ các nguyên tố, nhớ tên và số hiệu nguyên tử của các nguyên tố đơn giản. Học cách tính số mol, khối lượng. Và học những phương trình cơ bản. Sau đó học cách tính toán, giải một bài hóa. Nắm chắc những phần đó cộng với sự chăm chỉ thì kết quả trong năm học lớp 10 của em sẽ đạt như em mong muốn.
Các em có thể tham khảo bài viết này để tiếp thêm nghị lực: Học hóa bắt đầu từ đâu khi bạn đang ở con số 0.

Các em khối 11 nên định hướng học như thế nào?

Một năm học ở trường cấp 3 đã qua đi. Khối kiến thức lớp 10 cũng khá rộng. Nếu các em đã nắm chắc các kiến thức cơ bản đến nâng cao thì nên ôn tập lại những phần quan trọng như phần Ôxi Hóa – Khử, Halogen, Oxi – Lưu Huỳnh. Bên cạnh đó các em thường xuyên làm bài tập về phần Cấu tạo nguyên tử và phần Tốc độ phản ứng và câng bằng hóa học vì những phần đấy các em hay bị quên lãng. Nếu 1 năm qua em không hề quan tâm đến Hóa và không biết gì về Hóa thì bây giờ là thời điểm em cần phấn đấu, quyết tâm theo đuổi môn học này. Ngay khi có thể em hãy ra nhà sách, hiệu sách mua 1 Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, 1 quyển sách Giúp trí nhớ chuỗi phản ứng hóa học của tác giả Ngô Ngọc An. Nếu không có điều kiện tìm mua các em có thể tải miễn phí tại BLOGHOAHOC Tại đây. Em phải sẵn sàng đặt cuốn sách Hóa Học lớp 8, lớp 9 lên bàn học mỗi khi học môn Hóa. Hãy học bằng tất cả những gì em có thể. Học thêm ở các trung tâm, học từ bạn bè, anh chị, tự học… Tuy nhiên tới thời điểm  này em đã mất gốc môn Hóa thì tự học đòi hỏi em phải có một quyết tâm cao, một ý chí mạnh mẽ. Không gì là không thể, các em sẽ thành công nếu các em nỗ lực. Hãy quay lại mục “Các em khối 10 thì sao?” để đọc kỹ lại những gì các em cần bắt đầu. Thời gian vẫn còn 2 năm để phấn đấu, đó là khoảng thời gian đủ để em đạt được vinh quang.

Còn khối 12 thì sao nhỉ?

Các em học khối 12 thân mến, chỉ còn vẻn vẹn một năm nữa là các em bước vào kỳ thi THPT Quốc Gia 2016. Ở chặng đường đó có bao điều thú vị đang chờ đón các em. Các em còn có kỳ thi Học Sinh Giỏi, các kỳ thi thử… Một năm học cuối, năm học mà nhiều kỳ thi nhất sẽ đến với các em. Các em cần ôn tập thật kỹ những gì các em đã được học trong 2 năm học vừa qua. Nếu em học khá thì nên tìm hiểu những đề thi THPT Quốc Gia và đề thi thử năm 2015, làm một số câu mà các em có thể. Từ dễ đến khó, các em không nên chủ quan. Bên cạnh đó các em sưu tầm các bài tập khó liên quan đến phần Nitơ, Rượu, Axit Cacboxylic, Andehit. Nếu em cảm thấy những bài tập quá khó so với sức mình thì các em phải xác định rõ mục tiêu của bản thân. Em muốn 7 điểm môn Hóa thì kế hoạch của em sẽ khác so với mong muốn được 9 điểm môn Hóa. Nếu mục tiêu em cần đạt được điểm giỏi môn Hóa thì đòi hỏi các em không chỉ nắm chắc kiến thức SGK mà cần vận dụng các cách giả bài tập một cách linh hoạt, sáng tạo. Hơn thế nữa thời gian làm bài thi chỉ có 90 phút. Vì vậy đòi hỏi các em phải chú trọng đến những phương pháp giải nhanh. Nhanh nhất và chính xác nhất mà các em có thể. Nếu em đặt mục tiêu được điểm trung bình thì các em phải chăm chỉ đọc và làm. Đọc, hiểu những gì SGK viết, làm những bài tập các em có thể làm được trong SGK và SBT. Ngoài ra các em nên sưu tầm các đề thi thử và tiếp cận với những câu hỏi cơ bản, những bài tập dễ ăn điểm. Các em hãy học cách làm bài thật cẩn thận và làm đến đâu chắc đến đó.
Các em có thể tham khảo kho đề thi thử năm học 2015 tại đây.
Ai cũng có một ước mơ, nhưng mong muốn và nỗ lực để thực hiện được ước mơ đó thì không phải ai cũng là người làm được. Thành công chỉ đến với những ai có lòng quyết tâm cao. Chỉ đến với những người nỗ lực không ngừng nghỉ. Hãy hành động ngay hôm nay mà không cần chờ đợi đến ngày mai. Bởi vì: “Đường tuy ngắn, không đi không đến. Việc tuy nhỏ, không làm không nên”. Đó cũng là câu nói hay của Tuân Tự mà BLOGHOAHOC muốn gửi tới các em trong tháng 8 này. Hãy đón đọc những kinh nghiệm và sẻ chia của tháng 9 tới trên http://thuthuatluyenthi.blogspot.com. Chúc các em thành công.

Bản Quyền Bài Viết Thuộc Về http://bloghoahoc.com
Tác Giả: Vũ Văn An


Previous
Next Post »