Bạn đã từng có ý định theo học môn Hóa nhưng hiện nay mới chỉ biết chút ít hoặc không biết gì về Hóa Học. Bạn không biết mình nên bắt đầu từ đâu… Thì bài viết này là dành cho bạn, tiếp thêm ý chí, niềm đam mê cho bạn.
Trước tiên tôi xin kể một câu chuyện về chính bản thân tôi trong hành trình học môn Hóa của mình… Đâu đó bạn tìm thấy bản thân mình trong bài viết này chăng?
Từ hồi học THCS môn Hóa luôn là nỗi ám ảnh của tôi, tôi coi nó là môn học khắc tinh nhất của mình… Mỗi lần đến giờ kiểm tra là tôi lại sốt sắng đi chép bài của các bạn. Thầy dạy hóa của bọn tôi thì cũng chẳng tha thiết gì với môn học này… Kiến thức Hóa Học của tôi sa sút dần. Đến năm học lớp 9, dường như tôi không còn quan tâm đến môn học này nữa. Lúc đó tôi lao vào các môn học chính, tôi chìm trong hàng đống đề thi Học Sinh Giỏi và ba môn Toán, Văn, Anh để phục vụ kỳ thi vào cấp 3. Khi vào lớp 10, kiến thức hóa của tôi trống rỗng… Bế tắc đã đến khi tôi học lớp chuyên khối A, và chọn trường ĐH mà mình hướng tới… Môn Hóa lúc đó là nỗi lo, nỗi thất vọng của tôi, bạn bè tôi đua nhau đi học thêm làm tôi vô cùng sốt sắng. Tôi bắt đầu với những cuốn sách tham khảo – tôi ngày đêm cày Hóa. Nhưng kết quả mà tôi thu được chỉ là sự chán nản. Bởi vì tôi đã mất gốc. Tôi đọc những bài hóa mà cứ ngỡ mình đang đọc bằng thứ ngôn ngữ gì ấy (Ngôn ngữ của…).
Thật tệ hại! Các bạn có biết tôi đã đứng lên từ con số 0 ấy như thế nào không?
-
Xác định rõ mục tiêu.
Đương nhiên mục tiêu của tôi lúc bấy giờ là học môn Hóa thật giỏi, sang năm lớp 11 tự tin với môn Hóa của mình.
-
Xác định bản thân đang ở vị trí nào?
Qua năm lớp 10 với quá trình tự học. Kiến thức Hóa khi ấy của tôi mới tầm 15-20%. Lúc đó tôi còn chưa thành thạo cân bằng Hóa học. Những bài tập tôi làm vẫn còn sai chi chít.
-
Xác định ưu điểm, nhược điểm của bản thân và cách khắc phục.
Nhận thấy bản thân có ưu điểm là dễ tiếp thu những kiến thức mới và chịu được áp lực. Tuy nhiên nhược điểm là hay bị phân tâm vào những công việc và môn học khác, đồng thời hay lười biếng. Tôi thấm thía câu nói: “Người ta làm được thì mình cũng phải làm được”. Ừ! Nhưng sao mình lại không làm được. Tôi tự dằn vặt chính bản thân mình. Thật đau đớn, như kiểu gậy ông đập lưng ông. Dằn vặt chỉ làm tôi thêm đau. Tôi bắt đầu vui lên để sống, bắt đầu yêu đời, bắt đầu với những tiếng cười.
-
Lên kế hoạch và thời gian biểu.
Khi đó tôi đã lấy 1 tờ giấy. Tôi ghi ra:
- Mục tiêu hiện tại
- Ưu điểm của bản thân
- Nhược điểm của bản thân
- Khắc phục ưu điểm và nhược điểm
- Lên kế hoạch
- Lập thời gian biểu.
Khi đó là kỳ nghỉ hè. Tôi đã lên kế hoạch, lên thời gian biểu một cách rõ ràng và các hình phạt của chính bản thân để “cày hóa”. Đôi lúc mẹ tôi bảo tôi có vấn đề. Đúng vậy, tôi chấp nhận mình có vấn đề, để học Hóa. Trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ toàn là …()
-
Bắt đầu thực hiện.
Công việc đầu tiên tôi làm là đến nhà sách mua 1 bảng Tuần hoàn hóa học, 1 cuốn
Giúp trí nhớ chuỗi phản ứng hóa học của tác giả Ngô Ngọc An – cuốn sách mà tôi tâm đắc nhất. Tôi bắt đầu bằng những bài tập dễ, những phương trình dễ nhất. Tôi làm theo mô–tuýp của hướng dẫn mà không cần hiểu từ gốc đến rễ hay phải hiểu tại sao nó lại có thế này, tại sao lại giải được bằng cách này… Bởi vì khi đó tôi chưa đủ kiến thức để hiểu tại sao nó lại như thế. Cố gắng hiểu chỉ làm kiến thức thêm xáo trộn mà thôi. Tôi cứ làm thành thạo. Từng phương trình, từng phương pháp. Bài nào khó tôi bỏ qua. Tôi làm những bài dễ để lấy hứng thú học. Bài nào tôi cảm thấy có khả năng làm được nhưng đang bế tắc, tôi ghi ra một tờ giấy và để đó. Các bạn biết sao tôi lại để đó mà không đi hỏi bạn bè, thầy cô không? Đó là lý do tại sao một học sinh bắt đầu học hóa từ số 0 nên làm. Hãy cứ để đấy. Đừng vội hỏi. Hãy làm tiếp những câu khác trong dạng bài tập đấy. Làm đến khi thành thuộc thì bạn quay lại những bài bạn đã bỏ qua. Ồ, đâu đó mình đã làm dạng na ná giống bài này. Hoặc chí ít mình đã gặp phương trình này trong bài trước. Tôi tự tìm ra lời giải của một bài Hóa khó. Lúc đó tôi vui sướng lắm. Như một thằng điên ý! Có khi còn hét toáng lên trong đêm khuya! Thực sự nhớ đời. Thật tuyệt vời khi mình đã làm được những bài Hóa như vậy. Cho đến khi nào đó bạn gặp lại một bài tập tương tự bạn sẽ không bao giờ quên.
Học hóa như thế đấy. Đừng ngần ngại khi một phương trình rất rễ mà bạn lại quên. Hãy để bên cạnh mình cả cuốn sách Hóa lớp 8 khi bạn cần. Môn Hóa sẽ ngấm dần vào người bạn. Bạn bắt đầu cảm thấy thích thú trước mỗi bài tập Hóa….
Có 3 thứ ngu dốt: không biết những gì mình cần biết, không rành những gì mình biết và biết những gì mình không cần biết –La Rochefoucould–
Hãy tự tin vào chính bản thân mình hãy tập trung vào việc học – bạn sẽ thành công. Bởi vì thành công nằm trong chính bàn tay bạn, chính bản thân bạn tạo nên chứ không phải ai khác. Cuộc đời thì dài hơn tuổi trẻ vì vậy đừng lãng phí quỹ thời gian bạn đang có. Hãy sử dụng nó để khi đã qua đi rồi bạn không còn hối hận. Hãy bắt đầu từ hôm nay, ngay từ khi đọc xong bài viết này. Hãy lấy giấy bút ra và ghi những điều tôi đã nói.
—Tác giả bài viết: Vũ Văn An
—